Hàng loạt mục tiêu lớn

Trong năm qua, VNPT chính thức tổ chức triển khai Chiến lược phát triển giai đoạn 2017 - 2025 và tầm nhìn 2030 (Chiến lược VNPT 4.0) với mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ số và trung tâm giao dịch số hàng đầu Việt Nam, cụ thể hóa 10 chương trình, 34 dự án chiến lược. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại tổ chức hoạt động theo Quyết định số 2129-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai công tác cổ phần hóa công ty mẹ.

Năm 2019, VNPT tiếp tục triển khai sắp xếp cơ cấu tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh. Ảnh: Đức Thanh


Ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT cho biết, năm 2019, Tập đoàn tiếp tục triển khai sắp xếp cơ cấu tổ chức quản lý, sản xuất kinh doanh theo phương án cơ cấu lại Tập đoàn VNPT giai đoạn 2018 - 2020 và đẩy mạnh Chiến lược VNPT 4.0. Cùng với đó,  tiếp tục chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất lao động, tăng trưởng lợi nhuận, đột phá về năng lực cạnh tranh và xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp với định hướng chuyển đổi số.VNPT cũng đã hoàn thành việc tái cấu trúc khối công nghệ thông tin, thành lập Công ty VNPT-IT,  trụ cột của VNPT về sản xuất phần mềm và các ứng dụng công nghệ, tạo sức mạnh cho Tập đoàn bứt phá mạnh mẽ trong quá trình chuyển đổi số.

Đầu tư mạnh cho hạ tầng

Để thực hiện thành công những mục tiêu lớn trong năm 2019, ông Phạm Đức Long cho biết, VNPT lên kế hoạch dự kiến đầu tư năm 2019 là 12.200 tỷ đồng. Trong đó, cơ cấu đầu tư cho mạng di động là 5.900 tỷ đồng, băng rộng cố định là 3.900 tỷ đồng, dịch vụ giá trị gia tăng và công nghệ thông tin là 1.200 tỷ đồng; đầu tư kiến trúc nhà trạm và đầu tư khác là 1.200 tỷ đồng với các chương trình đầu tư lớn như: đầu tư mạng thông tin di động 4G; đẩy mạnh đầu tư, phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền di động, băng rộng, cố định và các dịch vụ data, dịch vụ IPTV Multimedia…; đầu tư mở rộng năng lực các hệ thống truyền tải, cung cấp dịch vụ truy nhập băng rộng cố định và di động để đảm bảo truyền tải và chất lượng dịch vụ…

Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch VNPT thông tin thêm, VNPT sẽ đẩy mạnh vùng phủ sóng 4G theo nhu cầu của thị trường. Dự kiến, VNPT sẽ phủ sóng 4G tới 95% dân số, tập trung vào các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trong năm 2019. Hiện VNPT đã đầu tư hơn 21.000 trạm 4G và đến hết năm 2019 sẽ đạt con số trên 30.000 trạm.

Mới đây, VNPT đã trình Bộ Thông tin và Truyền thông cho mạng VinaPhone thử nghiệm 5G trong năm 2019. Việc thử nghiệm này để VNPT làm chủ công nghệ và quy hoạch mạng lưới trong  thời gian tới. Bên cạnh đó, VNPT cũng thử nghiệm để chuẩn bị sản xuất các thiết bị mạng 5G và sẵn sàng cung cấp dịch vụ 5G sớm nhất cho khách hàng.

Dùng 1 tỷ USD cho M&A

Cùng với kế hoạch mở rộng mạng lưới phục vụ sản xuất, kinh doanh, VNPT còn có kế hoạch tăng sức cạnh tranh, chuyển đổi số qua hình thức mua bán - sáp nhập (M&A).

Theo ông Trần Mạnh Hùng, trong chiến lược VNPT 4.0, M&A là một trong những giải pháp giúp Tập đoàn hiện thực hóa chiến lược mở rộng thị trường quốc tế nhanh nhất.

“Phải M&A thì trong vòng 2-3 năm tới, VNPT mới có thể cạnh tranh về công nghệ với các hãng lớn trên thế giới. Về mặt tài chính, từ nay tới năm 2025, Tập đoàn có thể dành 1 tỷ USD cho hoạt động M&A”, ông Hùng tiết lộ,

Tuy nhiên, theo ông Hùng, đây cũng là vấn đề vướng nhất của các doanh nghiệp nhà nước. Tập đoàn mong muốn Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có thể hỗ trợ để phân cấp mạnh hơn cho Hội đồng Thành viên, trao thêm quyền trong việc quyết định hoạt động này. Tất nhiên, hoạt động M&A không phải đơn giản, còn nhiều vấn đề liên quan tới đánh giá, định giá, phải thực hiện thông qua các hãng tư vấn quốc tế.

Một nhiệm vụ lớn của VNPT trong năm 2019 là thoái vốn và cổ phần hoá. Năm 2018, VNPT đã bán, thoái vốn và thu hồi vốn được 4 danh mục, với tổng vốn thu được hơn 767 tỷ đồng trên tổng số 520 tỷ đồng vốn đầu tư. Trong đó, thành công nhất là việc thoái vốn Công ty Tài chính TNHH một thành viên Bưu điện với số vốn 500 tỷ đồng, thoái vốn được 710 tỷ đồng, tăng 42% so với giá trị công ty.

Theo ông Phạm Đức Long, để chuẩn bị cho nhiệm vụ cổ phần hoá trong năm 2019, VNPT đã thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa theo quyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông. VNPT có địa bàn hoạt động trải dài khắp 63 tỉnh, thành phố, hơn 700 huyện, hơn 11.000 xã, khắp cả nước đều có tài sản của VNPT. Việc kiểm kê tài sản cũng như việc chuẩn bị các phương án cổ phần hóa là khối việc khổng lồ. VNPT nhận thức vấn đề quản lý đất đai hết sức quan trọng, nên trước khi có quyết định cổ phần hóa năm 2015, Tập đoàn đã tổ chức sắp xếp, rà soát lại toàn bộ các thủ tục về đất đai. Hiện nay, VNPT đã được phê duyệt phương án sử dụng đất.

Trong năm 2018, VNPT đã thuê công ty tư vấn quốc tế phối hợp với công ty trong nước để tư vấn cổ phần hóa. Công ty tư vấn đã tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp, giá khởi điểm, xây dựng phương án cổ phần hóa và bán cổ phần.

Các chỉ số sản xuất, kinh doanh VNPT đạt được năm 2018:

- Lợi nhuận đạt 6.445 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2017. Đây là năm thứ 5 liên tiếp, VNPT đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trên 20%. 
Tổng số thuê bao điện thoại đạt khoảng 34 triệu, trong đó thuê bao di động đạt 31,3 triệu.

- Tổng số thuê bao Internet băng rộng phát sinh cước đạt 5,2 triệu, tăng 11,1% so với năm 2017, trong đó thuê bao FiberVNN đạt 5 triệu, tăng 27% so với năm 2017.

- Tổng nộp ngân sách nhà nước là 4.476 tỷ đồng, đạt 117,5% kế hoạch, tăng 18% so với thực hiện năm 2017.